Tập trung xây dựng TP Hạ Long trở thành đô thị loại I xứng tầm

QNP – Theo lộ trình trở thành đô thị loại I vào năm 2013, TP Hạ Long sẽ là một thành phố đẹp và hiện đại cả về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, hệ thống chiếu sáng, vỉa hè; là một thành phố xanh, sạch, đẹp, có môi trường trong lành; là một trung tâm du lịch văn minh, hiện đại; con người hiếu khách, lịch thiệp và thân thiện…

Khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long

26112012 bai chay

Với quyết tâm khắc phục yếu kém, vượt qua thách thức, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hạ Long tự tin bước vào thời kỳ mới, với nhiều nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế gắn với chỉnh trang, mở rộng đô thị theo quy hoạch, tạo sự chuyển biến rõ nét về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đô thị theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng văn hóa – xã hội; kết hợp tốt giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường; đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nhằm từng bước xây dựng thành phố trở thành trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm ven biển Bắc Bộ, một trung tâm du lịch hiện đại, văn minh của cả nước và khu vực; phấn đấu để thành phố trở thành đô thị loại I vào năm 2013.

10 năm đổi mới, phát triển toàn diện

Năm 2003, TP Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại II. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng dân cư cơ học cao, sau 10 năm, TP Hạ Long đã thực sự chuyển mình, đạt những thành tựu vượt bậc trên tất cả các mặt. Kinh tế – xã hội của thành phố đã và đang có nhiều đổi thay. Cơ cấu kinh tế ngày càng thay đổi theo xu hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ gắn với việc phát triển văn hóa – xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường và giảm hơn nữa sự đóng góp từ khu vực nông, lâm nghiệp. Sản xuất ngành công nghiệp tăng nhanh, nếu như năm 2003 giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt gần 4.000 tỷ đồng, năm 2008 đạt gần 10.000 tỷ đồng, thì đến năm 2012 ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Lĩnh vực dịch vụ có những tiến bộ đáng kể, trong đó ngành du lịch có bước phát triển mạnh. Doanh thu du lịch tăng nhanh, năm 2003 là 555 tỷ đồng, đến năm 2012 ước thực hiện đạt 2.412 tỷ đồng. Thu ngân sách năm 2012 ước đạt 1.736 tỷ đồng, mức thu cao nhất từ trước tới nay…

26112012 cau bai tho 1

Tuyến đường bao biển núi Bài Thơ được đầu tư xây dựng nhằm góp phần giảm tải áp lực giao thông cho nội đô và là tuyến đường tạo cảnh quan cho đô thị Hạ Long…

Cùng với phát triển kinh tế, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đô thị cũng được đầu tư nâng cấp ngày càng đồng bộ, văn minh, hiện đại như cơ sở vật chất ngành giáo dục được quan tâm đầu tư, xây dựng, đến nay có 41 trường đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được đầu tư xây mới và trang sắm thiết bị hiện đại. Tuyến y tế xã, phường đã có bước chuyển biến đáng kể so với trước đây, hiện có 20/20 trạm y tế phường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, thành phố cũng quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông nội đô, hệ thống cầu cảng; vỉa hè; hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cung cấp điện, nước sinh hoạt… Ngoài ra, công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, thu nhập của người dân nâng cao, đời sống được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ. Công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường để phát triển hài hòa, bền vững cũng được thành phố chú trọng trong nhiều năm qua…

Từ những thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, TP Hạ Long đã và đang tích cực chủ động, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nỗ lực chung sức, đồng lòng để sớm đạt được mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I vào năm 2013.

16112012  truong chuyen

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố được đầu tư xây mới

Xây dựng thành phố trở thành đô thị loại I

Trong những năm gần đây, nhằm mau chóng hội tụ đầy đủ các tiêu chí của đô thị I trực thuộc tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hạ Long đã tập trung cao độ, khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hoá đô thị; tăng quy mô dân số; đầu tư xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm; lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế – xã hội thành phố; đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước; làm mới và nâng cấp các tuyến đường chính đô thị. Cùng với đó, thành phố tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, cũng như phát huy những thành tựu cơ bản đã đạt được trên lĩnh vực du lịch; thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư, triển khai các dự án kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, TP Hạ Long đã cùng với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu lập quy hoạch chung của thành phố; phân khu chức năng đảm bảo khoa học, hợp lý, quy hoạch khép kín các khu dân cư trên địa bàn; khu công viên cây xanh, trung tâm văn hóa – thể thao, điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng và một số không gian công cộng khác…

Tính đến thời điểm này, mặc dù TP Hạ Long còn một số chỉ tiêu cần khắc phục, hoàn thiện trong thời gian tới như khắc phục 3 chỉ tiêu về quy mô dân số toàn đô thị, tỷ lệ nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, số lượng nhà tang lễ chưa đạt điểm tối thiểu cần nâng cấp; hoàn thiện 9 chỉ tiêu (dân số nội thị, mật độ dân số, số cơ sở giáo dục đào tạo, tỷ lệ đất giao thông nội thị, mật độ đường nội thị, tỷ lệ thu gom chất thải rắn, quy chế quản lý kiến trúc toàn đô thị, khu đô thị mới kiểu mẫu, tuyến phố văn minh) để đạt điểm tối đa nhưng đối chiếu với các tiêu chuẩn của đô thị loại I, TP Hạ Long đạt 89,68/100 điểm, vượt điểm quy định tối thiểu 70/100 điểm, đủ tiêu chuẩn để được công nhận là đô thị loại I.

26122012 khach du lich

Du khách đến tham quan TP Hạ Long ngày càng tăng

Việc thành phố trở thành đô thị loại I vừa phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển thành phố, vừa là thành quả tâm huyết, kiên định của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Đồng thời, đây cũng là động lực quan trọng để TP Hạ Long phát huy tốt hơn các lợi thế và thực hiện tốt vai trò chức năng là thành phố tỉnh lỵ, một trung tâm của tiểu vùng Bắc vùng Duyên hải Bắc Bộ, trung tâm du lịch quốc gia và có tầm vóc quốc tế gắn với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long./.

Tiêu chí để trở thành Đô thị loại I trực thuộc tỉnh theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 của Chính phủ:

Thứ nhất: Đô thị trực thuộc tỉnh có chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, hành chính, giáo dục – đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một hoặc một số vùng lãnh thổ liên tỉnh.

Thứ 2: Quy mô dân số toàn đô thị từ 500 nghìn người trở lên.

Thứ 3: Mật độ dân số bình quân khu vực nội thành từ 10.000 người/km2 trở lên.

Thứ 4: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành tối thiểu đạt 85% so với tổng số lao động.

Thứ 5: Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị khu vực nội thành: nhiều mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Khu vực ngoại thành: nhiều mặt được đầu tư xây dựng đồng bộ và cơ bản hoàn chỉnh; hạn chế việc phát triển các dự án gây ô nhiễm môi trường; mạng lưới công trình hạ tầng tại các điểm dân cư nông thôn phải được đầu tư xây dựng đồng bộ; bảo vệ những khu vực đất đai thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, vùng xanh phục vụ đô thị và các vùng cảnh quan sinh thái.

Thứ 6: Kiến trúc, cảnh quan đô thị: thực hiện xây dựng phát triển đô thị theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Các khu đô thị mới phải đạt tiêu chuẩn đô thị kiểu mẫu và trên 50% các trục phố chính đô thị phải đạt tiêu chuẩn tuyến phố văn minh đô thị. Phải có các không gian công cộng, phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và có các tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang ý nghĩa quốc gia.

 

 

 

Thu Chung

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *