Thị trường bất động sản trầm lắng và tiềm lực tài chính có hạn đã khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng nợ tiền sử dụng đất. Các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp thu nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn còn trên 700 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
Theo rà soát, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 34 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp. Theo đó, tổng số tiền sử dụng đất phải thu theo các quyết định phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất là gần 2.000 tỷ đồng. Tổng số tiền sử dụng đất đã thu trên 1.200 tỷ đồng, số tiền sử dụng đất còn phải thu khoảng 700 tỷ đồng.
Dự án khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh C (do Công ty CP Phát triển dự án Biển Đông đầu tư, nợ hơn 34 tỷ đồng tiền sử dụng đất). |
Việc thu nợ tiền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, mặc dù thời gian qua Cục Thuế Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các biện pháp đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất. Hàng tháng đều có thông báo đôn đốc các chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất vào NSNN, tính phạt nộp chậm, bù trừ tiền sử dụng đất phải nộp với số tiền được hoàn thuế, cưỡng chế bằng biện pháp phong toả tài khoản qua ngân hàng… Biện minh cho việc chậm nộp tiền sử dụng đất các chủ đầu tư cho rằng do gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán tiền sử dụng đất đúng hạn. Theo thống kê của Cục Thuế hiện có 13 dự án như vậy với số tiền còn phải đôn đốc là 405 tỷ đồng. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu đô thị mới Đồn Điền, phường Việt Hưng, TP Hạ Long (Công ty 508) số tiền sử dụng đất còn nợ lên đến gần 100 tỷ đồng; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu dân cư đô thị phía Bắc khách sạn Hồng Vận và khu ba Xoáy nguồn (Công ty CP Quảng Thái) số tiền cần phải nộp ngân sách trên 97 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh C (Công ty CP Phát triển dự án Biển Đông) nợ 34 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 11 dự án chủ đầu tư gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nên tiến độ triển khai dự án chậm so với thời gian phê duyệt hoặc dự án chưa giao đất, phải thay đổi quy hoạch hoặc do các nguyên nhân khách quan còn nợ 260 tỷ đồng. Như vậy, nhìn vào những con số trên cho thấy số tiền sử dụng đất các chủ đầu tư còn phải nộp các dự án kinh doanh hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn gây thất thoát lớn cho NSNN.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục Thuế Quảng Ninh cho rằng, nguyên nhân việc chậm nộp tiền sử dụng đất là do các chủ đầu tư không chấp hành đúng quy định của tỉnh về nộp tiền sử dụng đất. Việc xác định nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất được thực hiện ngay từ khi có quyết định giao đất và quyết định phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất. Hiện nay do nhiều dự án chưa giải phóng mặt bằng xong, chưa được bàn giao đất tại thực địa nên nhiều dự án không triển khai được hoặc triển khai không đúng tiến độ được phê duyệt dẫn đến việc không chấp hành thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của UBND tỉnh. Ngoài ra, một số dự án thuộc trường hợp phải xác định lại giá do điều chỉnh quy hoạch, giảm diện tích đất kinh doanh nhưng Sở Tài chính chưa xác định giá hoặc xác định giá do thời điểm giao đất và thời điểm xác định giá không khớp nhau.
Trước những bất cập này, mới đây UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các ngành nhằm giải quyết những khó khăn trong thu nợ đọng tiền sử dụng đất. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh cần tăng cường đôn đốc thu nợ, trên cơ sở ý kiến tham gia và sự vào cuộc của từng ngành liên quan có các biện pháp xử lý mạnh đối với các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Đối với số tiền nộp chậm (tiền phạt chậm nộp), ngành Thuế có báo cáo đánh giá thực trạng, đồng thời đưa ra các kiến nghị đảm bảo tính khả thi để thực hiện thu nợ theo đúng pháp luật. Bên cạnh đó, để việc thu nộp tiền sử dụng đất đạt kết quả cũng cần phải có sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành đặc biệt là Sở Tài nguyên – Môi trường và Tài chính.
Hiểu Trân