Xây nhà cao tầng không dùng cửa sổ mở quay ra ngoài bởi nếu dùng loại cửa này gặp gió mạnh có thể làm vỡ kính, giật cánh cửa rơi xuống sẽ gây tai nạn cho người qua đường dưới tòa nhà.
Đối với nhà cao tầng, đòi hỏi cửa sổ phải có yêu cầu đặc biệt, thiết kế cửa phải chịu được sức gió mạnh… Người Việt Nam trước đây chủ yếu làm nhà thấp tầng nên vốn quen với việc mở cửa sổ hướng ra ngoài để không ảnh hưởng đến không gian trong phòng. Tuy nhiên, đối với những ngôi nhà cao tầng, cửa sổ mở quay ra ngoài nếu gặp gió mạnh có thể làm gây nên va đập làm vỡ kính có thể giật cánh cửa rơi xuống sẽ gây hậu quả khôn lường cho người qua lại phía dưới tòa nhà.
Chính vì vậy mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu chỉ dùng cửa sổ mở quay, quay lật vào phía trong ngôi nhà.
Trong tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (tiêu chuẩn xây dựng VN276:2003) về nguyên tắc cơ bản để thiết kế có nêu: “Đối với nhà cao tầng nên dùng cửa sổ kéo – đẩy; nếu dùng cửa sổ mở ra ngoài, phải có biện pháp gia cố chắc chắn cánh cửa sổ”.
Tuy nhiên, đến năm 2004, tiêu chuẩn thiết kế về nhà ở cao tầng (Tiêu chuẩn Việt Nam 323:2004) đã có sự thay đổi về quy định đối với việc thiết kế cửa sổ, cụ thể: “cửa sổ nhà cao tầng được thiết kế theo kiểu cửa lật, cửa đẩy, cửa trượt đứng, trượt ngang hoặc kết hợp cả hai”.
Có thể thấy, cửa sổ mở quay ra ngoài đã không còn nằm trong danh mục loại cửa được phép thiết kế trong các tòa nhà cao tầng nữa. Vậy tại sao không nên dùng cửa mở quay ra ngoài và những những kiểu mở nào phù hợp đối với công trình cao tầng?
Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực này, kiểu cửa mở quay ra ngoài có góc mở 180 độ , nếu gặp gió to hoặc mưa bão lớn cửa dễ bị va đập mạnh với tường; với những loại cửa có thanh hạn vị góc mở và chỉ mở 90 độ có thể giúp hạn chế được sự va đập, tuy nhiên, nó vuông góc với tương tựa như một cánh buồm nếu gặp gió lốc sẽ rất nguy hiểm.
Trong một số trường hợp có thể sử dụng cửa sổ mở hất ra ngoài với góc mở 45 độ, nhưng khi gió lốc cũng không thể đảm bảo an toàn, không chỉ vậy lại bị hạn chế về chế độ mở. Cả hai loại cửa này có chung một nhược điểm nữa đó là đòi hỏi chi phí bảo trì cao để thuê nhân công vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ phía ngoài cánh cửa.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho con người, đòi hỏi cửa sổ cho nhà cao tầng phải có yêu cầu đặc biệt hơn, thiết kế cửa phải chịu được sức gió mạnh. Đối với những công trình được thiết kế đúng tiêu chuẩn, cửa sử dụng thường là các loại cửa sổ mở trượt, cửa sổ mở quay vào trong, cửa sổ mở quay lật vào trong. Đối với cửa sổ mở trượt hay được dùng vì có giá thành rẻ bởi hệ phụ kiện đơn giản.
Do có cấu tạo hai cánh trượt song song với nhau cho nên đã tạo ra khe hở ở giữa hai cánh cửa, mặc dù các nhà sản xuất đã dùng chổi quét để chặn khe hở này nhưng vẫn không đảm bảo độ kín khít cao. Hơn nữa cửa mở trượt chỉ mở được 1/2 diện tích cửa nên đối với những người thích tăng độ thoáng của cửa sổ sẽ không lựa chọn loại cửa mở trượt.
Đối với cửa sổ mở quay vào trong có cấu tạo với hệ phụ kiện và chốt đa điểm đảm bảo độ kín khít nên khả năng cách âm, cách nhiệt cao hơn so với cửa mở trượt. Loại cửa này cũng đảm bảo an toàn hơn và vệ sinh cánh cửa cũng dễ dàng hơn so với cửa mở quay ra ngoài hay mở hất ra ngoài.
Còn cửa sổ mở quay lật vào trong là loại cửa thế hệ mới với có đặc tính ưu việt hơn so với các loại cửa đã nói trên nhờ có cấu tạo với chốt đa điểm và hệ gioăng kép. Khi cửa đóng lại, hệ thống chốt đa điểm sẽ chốt lại ở tất cả các điểm, đồng thời ép chặt khuôn cửa và khung cánh với nhau tạo ra độ kín khít rất cao.
Vì cửa không quay ra bên ngoài nên đảm bảo được yếu tố an toàn cho nhà cao tầng, ngay cả khi cửa mở gặp mưa bão mà chủ nhà không kịp đóng lại cửa. Loại cửa này có thể mở theo 3 chế độ khác nhau: mở 180 độ hoặc 90 độ để thông phòng, mở thoáng khí 15 độ và mở thông hơi 1-2 độ. Cả 3 chế độ mở này đều có độ an toàn sử dụng cao, hạn chế tối đa sự tác động của sức gió.
Bên cạnh đó, chế độ mở lật vào trong đảm bảo sự thông thoáng cho căn phòng nhưng vẫn giữ được vẻ kín đáo, đồng thời không ảnh hưởng đến việc bài trí các đồ đạc gần cửa như rèm, đèn bàn… Đây là loại cửa hiện đại được sử dụng phổ biến trên thế giới và tại các quốc gia châu Âu.
(Theo Báo Xây dựng)