Từ một cậu ấm nhưng sau một biến cố của cuộc đời, Nguyễn Trần Bạt đã phải đi bán nước chè dạo ở Ga Hàng Cỏ lúc mới 7 tuổi. Nhưng mấy chục năm sau, cậu bé ấy đã trở thành người chuyên cung cấp dịch vụ cho các tập đoàn đa Quốc Gia. Hiện ông Bạt là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Invest Consult Group với doanh thu hàng triệu USD mỗi năm.
Phải giải phóng mình khỏi sự nghèo khổ, ngu dốt, tầm thường
Ông đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, thậm chí có lúc đã phải mất đứa con gái vì không đủ tiền chữa bệnh cho con… Những năm tháng khốn khó ấy có ý nghĩa như thế nào đối với ông?
Tôi ở Nghệ An ra Hà Nội năm lên 9 tuổi. Trước cách mạng, ông nội tôi là địa chủ, ông ngoại tôi cũng là địa chủ. Lúc còn thanh niên, bố tôi học ở Hà Nội và đỗ tú tài.
Bố tôi vào Đảng từ những năm 1940, nhưng sau đó phải tạm dừng sinh hoạt Đảng cho đến năm 1960 vì là con địa chủ. Những bế tắc trong đời sống chính trị của bố, làm cho mẹ tôi phải đi ra Hà Nội để tìm lối thoát cả vật chất lẫn tinh thần, và tôi cũng theo mẹ ra đi từ năm 9 tuổi.Gia đình tôi lúc bấy giờ rất khốn khó. Bố tôi là một ông tú mà phải đi bán thuốc lá dạo, tôi thì bán nước chè ở Ga Hàng Cỏ (Hà Nội), cả nhà tôi đều phải làm như thế cả.Tôi từ một cậu ấm đã trở thành một đứa trẻ nghèo, ra đường lao động để kiếm sống. Cái đấy có lợi hay có hại tùy theo cách đánh giá, nhưng với tôi nỗi đau khổ ấy là một thực tế giày vò trong nhiều năm tháng.
Được biết ông vừa mới hoàn thành một quyển sách được đặt tên là “Tự do”?
Tôi xem nghèo khổ là một trong những yếu tố làm mất tự do của đời sống của con người. Rất đáng buồn là xã hội chúng ta có một thời kỳ rất dài thi vị hóa sự nghèo khổ và kỳ thị sự giàu có như một đối tượng vô đạo.Người ta chỉ tìm thấy sự xấu xa ở những người giàu có và chỉ nhìn thấy đạo đức ở những kẻ nghèo khổ. Những định kiến như thế kéo lùi chúng ta bao nhiêu năm.Cần phải phá bỏ quan niệm như thế. Người giàu vẫn phải có đạo đức, phải làm thế nào để giàu có trong đức hạnh của mình, cái đấy là rất quan trọng.Có một số kẻ trước đây nghèo khó bây giờ có tiền rồi thì cho con mua ô tô, mua xe máy @, SH…, nhìn những ví dụ như vậy tôi rất thương. Những con người nghèo khó về vật chất đang biến dần thành những người nghèo khó về mặt tâm hồn, đến mức ngay cả khi không còn nghèo khó về mặt vật chất nữa thì sự nghèo khó về mặt tâm hồn vẫn tiếp tục ám ảnh cuộc đời họ.Còn tôi ý thức sự nghèo khó về mặt vật chất và phấn đấu để thoát khỏi nó, nhưng tôi vẫn tâm niệm phải giữ nguyên được những giá trị khác.
Ông quan niệm thế nào về tiền bạc?
Tôi cho rằng sự giàu có là một tất yếu mà con người phải phấn đấu. Mỗi một con người phải phấn đấu để có nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự nghèo khổ, phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự ngu dốt và phấn đấu để giải phóng mình ra khỏi sự tầm thường.Đấy chính là ba cái nấc để mô tả lộ trình phấn đấu của con người. Có thể có người làm dần từng bước, có thể làm song song cả ba việc hoặc hai việc.
Ông đã cho ra đời 3 cuốn sách mang tính suy tưởng triết học. Ông viết sách vì muốn đưa cuộc đời vào sách, đưa sách vào cuộc đời hay vì một sự thôi thúc nào đó?
Tôi là một người không thiếu tiền, nhưng tôi yêu cuộc đời giống như một người bạn nghèo, tôi yêu cả nhược điểm của nó. Ai đó có thể căm thù, ghét bỏ, phê phán người nọ, người kia, nhưng ở tôi không có điều ấy.Tôi yêu cuộc đời một cách chân thật, yêu cả khuyết tật, nhược điểm của nó. Nền kinh tế bao cấp đối với tôi có những khía cạnh khó khăn, khổ sở nhưng cũng có cả những khía cạnh trìu mến, vì nền kinh tế bao cấp chứa đựng rất nhiều kỷ niệm tinh thần của tôi.Đi thanh niên xung phong, đi bộ đội, rồi những vấp váp trong cuộc đời có thể để lại cho tôi những vết sẹo, nhưng tôi xem những vết sẹo ấy như những kỷ niệm về một thời ấu trẻ.Tôi chưa bao giờ căm thù nó cả. Tôi viết sách là để thể hiện tình yêu của tôi đối với cuộc sống, để góp một phần nho nhỏ của tôi vào sự hợp lý hóa đời sống tinh thần của con người và tôi làm việc ấy một cách yên lặng, một cách âm thầm.
Lập Công ty để “phiên dịch” cho hai hệ thống kinh tế
Con đường doanh nhân của ông được hình thành như thế nào?
Từ những thay đổi của thời cuộc vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, tôi đã đi đến suy nghĩ rằng chúng ta phải mở cửa. Khi đó, sẽ có hai cộng đồng người gặp nhau, ở mức độ nhất định chúng ta chưa biết gì về ngoại thương, về ngân hàng…, còn những người nước ngoài thì biết tất cả nhưng chưa biết gì về xã hội Việt Nam.Hai cộng đồng người ấy gặp nhau sẽ cần người “phiên dịch”. Cty Invest Consult Group ra đời để đóng vai trò người “phiên dịch”, và tôi kiếm tiền bằng việc “phiên dịch” sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội, giữa phương Tây phát triển và Việt Nam đang đi tìm con đường phát triển.Đến bây giờ vai trò ấy vẫn chưa hết, tuy nhiên, sự “phiên dịch” được tập trung vào những đối tượng tinh tế hơn, phức tạp hơn và trên những khía cạnh phong phú hơn.
Ông đã gặp những khó khăn gì khi đóng vai trò “phiên dịch” cho hai hệ thống đó?
Xã hội chúng ta là xã hội sùng bái công nghiệp, vì thế tất cả các đối tượng phi công nghiệp đều bị ngờ vực và tôi bị ngờ vực là đương nhiên. Tôi có nghĩa vụ phải giải thích với xã hội, giải thích với các nhà lãnh đạo rằng cái mà chúng tôi làm là cái mà xã hội cần.Năm 1989, tôi có tổ chức một cuộc hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh về xây dựng thị trường tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau đó, tôi đã được gọi lên để chất vấn và chịu kỷ luật về việc truyền bá những khái niệm “nhạy cảm”… Xã hội chúng ta đã từng có một thời với những chuyện như thế.
Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân
Là một doanh nhân thành đạt, ông nhận xét gì về doanh nhân và văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay?
Hình ảnh của doanh nhân Việt Nam đang hình thành và rõ nét dần cùng với hình ảnh nền kinh tế Việt Nam, cho nên, chúng ta cùng xây dựng các đường nét phác thảo chứ không nên vẽ các ví dụ cụ thể để cố định hóa nhận thức của thế hệ trẻ về cái gọi là doanh nhân.Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì, theo tôi, có đến 70-80% các doanh nhân Việt Nam vẫn kiếm lợi dựa vào việc khai thác các mặt hạn chế của thể chế của chúng ta về kinh tế. Chúng ta chưa có văn hóa doanh nhân. Xã hội chúng ta mới bắt đầu những bước chập chững đầu tiên để xây dựng một cộng đồng doanh nhân.Văn hóa doanh nhân là những đặc trưng được kết tinh bởi kinh nghiệm hoạt động của doanh nhân, chúng ta mới bắt đầu những bước đầu tiên, chúng ta chưa có nền văn hóa như vậy. Chúng ta không nên nêu vấn đề ấy để cưỡng bức xây dựng một nền văn hóa doanh nhân. Văn hóa doanh nhân sẽ đến cùng với sự hình thành của nền kinh tế.
Việt Nam hội nhập vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân, liệu có đáng lo, thưa ông?
Không! 3/4 hay 4/5 nhân loại đều gia nhập WTO và đều ngẩn ngơ như người Việt cả nhưng có ai chết đâu. Tại sao chúng ta lo lắng? Chúng ta tưởng rằng chúng ta là anh hùng, chúng ta vĩ đại, chúng ta sợ mất tiếng, chúng ta sợ lép vế nhưng chúng ta cũng giống như thiên hạ thôi, chúng ta sẽ phát triển cùng thiên hạ. Không cần phải lo chuyện chúng ta vào WTO mà chưa có văn hóa doanh nhân.
Xin cảm ơn ông.
(Theo Tiền Phong Chủ Nhật)