8 loại thủ tục được giảm thời gian thực hiện
Nghị định quy định việc tổ chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa để bảo đảm thực hiện thống nhất trong cả nước. Đồng thời, giảm thời gian thực hiện 5 ngày so với quy định hiện hành đối với các thủ tục cấp giấy chứng nhận; chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện các quyền:
– Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu không quá 30 ngày.
– Đăng ký, cấp GCN bổ sung đối với tài sản không quá 20 ngày.
– Đăng ký biến động trong các trường hợp: xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn; chuyển quyền của vợ hoặc chồng thành của chung hai vợ chồng là không quá 10 ngày.
– Cấp đổi GCN không quá 10 ngày.
– Tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 20 ngày.
– Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là không quá 10 ngày
– Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất là không quá 30 ngày.
– Xóa đăng ký góp vốn là không quá 5 ngày làm việc.
Nghị định cũng phân cấp cho địa phương quy định cụ thể thời gian thực hiện thủ tục hành chính để phù hợp với thực tế tại từng địa phương.
Bãi bỏ một số thủ tục, giấy tờ không cần thiết
Điểm đáng chú ý, Nghị định đã bổ sung quy định việc công khai thủ tục hành chính về đất đai để bảo đảm sự minh bạch trong thực hiện, giảm sự phiền hà cho người dân.
Đồng thời bổ sung một số thủ tục tạo điều kiện bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất như thủ tục chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng; hay việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác…Về hình thức thực hiện thủ tục, có thêm quy định về hình thức đăng ký điện tử để làm cơ sở pháp lý cho thực hiện trong điều kiện công nghệ thông tin đang ngày càng phát triển, giải quyết rốt ráo việc cấp GCN cho người sử dụng đất.
Nghị định cũng bãi bỏ việc UBND xã xem xét xác nhận tranh chấp sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất (đất rừng, đất trồng lúa, đất ven sông, ven biển…).
Bãi bỏ thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật hiện hành. Ngoài ra, một số giấy tờ không cần thiết hoặc gây thêm phức tạp trong hồ sơ thực hiện một số thủ tục cũng đã được bãi bỏ.
Nếu như trước đây thủ tục hành chính quy định ở nhiều Nghị định thì nay được quy định cụ thể tại 18 Điều trong Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Tổng số thủ tục chỉ còn là 24 thủ tục chung cho cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và không phân biệt nơi nộp hồ sơ xã, phường.
Việc quy định như vậy là bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với quá trình cải cách tổ chức bộ máy cơ quan hành chính và điều kiện thực hiện trong từng thời kỳ, tránh tình trạng thủ tục quy định trong quá nhiều văn bản khác nhau, không thống nhất và khó thực hiện.
Bổ sung 8 loại giấy tờ để có thể được cấp sổ đỏ
Để làm cơ sở xem xét cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhằm giải quyết các vướng mắc và đảm bảo công bằng trên thực tế, Nghị định đã quy định bổ sung 8 loại giấy tờ về quyền sử dụng đất lập trước ngày 15/10/1993, cụ thể là:
– Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980.
– Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ.
– Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND các cấp huyện, tỉnh hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).
– Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được UBND các cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.
– Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được UBND cấp xã, HTX nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 1/7/1980 hoặc được UBND cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.
– Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho người lao động tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho người lao động;
– Bản sao giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và các giấy tờ như đã nêu ở trên nhưng có xác nhận của UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan Nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.
Việc bổ sung quy định nêu trên sẽ bảo đảm hơn sự công bằng trong việc cấp GCN giữa trường hợp có cùng nguồn gốc sử dụng đất và trường hợp đã được cấp GCN mà có các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 nhưng vì các lý do khách quan mà người sử dụng đất không có các giấy tờ đó.
Quy định này cũng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong thực hiện cấp GCN để bảo đảm hoàn thành việc cấp GCN trên phạm vi cả nước theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.
Hoàng Thị Vân Anh
Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế – Tổng cục Quản lý đất đai